Thị trường xe máy điện tại Việt Nam
1. Thị trường xe máy điện Việt Nam nở rộ
Khách hàng Việt hiện có đa dạng lựa chọn xe máy điện theo hầu bao, nguồn gốc, nhu cầu sử dụng, không như khoảng 5-6 năm trước.
Phương tiện di chuyển cá nhân chạy bằng điện bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào những năm 2005-2006, dưới hình thức những chiếc xe đạp điện với khối pin đặt dưới yên và môtơ ở bánh sau, cho khả năng di chuyển với quãng đường 30-50 km trong một lần sạc. Những dòng xe này thường nhập khẩu từ Trung Quốc, nhắm đến tệp khách hàng là học sinh, người nội trợ hoặc người cao tuổi. Không có quá nhiều sự lựa chọn về kiểu dáng, cũng như quãng đường di chuyển vào thời bấy giờ.
Ngót nghét hai thập kỷ sau đó, thị trường xe máy điện tại Việt Nam đã thay đổi toàn diện. Người tiêu dùng giờ đây đã có thể chọn lựa các loại xe phù hợp với nhu cầu di chuyển, hầu bao, kiểu dáng, cách sạc, của cả doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.
2. Hãng Việt tham gia vào thị trường xe máy điện
Trong 2018, VinFast là cái tên đã đặt nền móng cho ngành xe máy điện trong nước khi là thương hiệu Việt Nam đầu tiên giới thiệu xe máy điện đến thị trường, với mẫu xe Klara. Trước đó, thị trường gồm toàn các thương hiệu lạ lẫm, cách đặt tên na ná nhau. Các năm sau, VinFast giới thiệu nhiều mẫu xe máy điện từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp.
Xe điện VinFast Klara trong lễ ra mắt tại nhà máy ở Hải Phòng.
Khi xe máy điện dần xuất hiện nhiều, các doanh nghiệp trong nước dần tham gia vào thị trường. Trong 2021, công ty start-up Dat Bike đã ra mắt mẫu xe Weaver 200, với kiểu dáng khác lạ và không giống với bất kỳ mẫu xe điện nào khác trên thị trường, cùng khả năng di chuyển lên đến 200 km trong một lần sạc, là mức cao vào 2021. Các mẫu xe điện sau này của Dat Bike dần chuyển sang thiết kế giống các xe tay ga hơn, nhưng vẫn tập trung chính vào khả năng vận hành và quãng đường di chuyển dài.
Cuối 2022, thêm một doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào cuộc chơi xe điện, nhưng tiếp cận với tệp khách hàng khác. Start-up Selex Motors đã ra mắt mẫu xe mang tên Camel, hướng đến khách hàng giao vận, chuyên chở hàng như những chú lạc đà (camel) với tải trọng tối đa lên đến 225 kg.
Bên cạnh đó, thị trường xe điện cao cấp đã có doanh nghiệp trong nước mới xuất hiện. Trong 2024, thương hiệu Nuen Moto đã công bố mẫu xe điện N1-S với giá 180-220 triệu đồng, tốc độ tối đa 130 km/h, di chuyển 200 km một lần sạc. Tuy nhiên Nuen cho biết chỉ mới có bản prototype, chưa có sản phẩm thật, dự kiến giao hàng vào 2025. Theo các chuyên gia trong ngành, mở đặt hàng khi mới chỉ có bản prototype là cách làm quen thuộc của các startup trong mảng này. Khách hàng mua xe chủ yếu đánh giá dựa trên thông tin về startup hơn là bản thân sản phẩm.
3. Hãng nước ngoài không nằm ngoài cuộc chơi
Với sự phát triển nhanh chóng của những doanh nghiệp xe máy điện trong nước, các công ty nước ngoài khác cũng không thể "ngó lơ" khi xu hướng điện hóa phương tiện di chuyển cá nhân đang diễn ra mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Ở phân khúc giá rẻ vẫn là các hãng xe từ Trung Quốc như Yadea. Ở phân khúc trung cấp và cao cấp, giờ đây đã xuất hiện thêm các hãng Nhật và châu Âu.
Yamaha Neo’s phiên bản màu trắng.
Yamaha đã giới thiệu mẫu máy điện đầu tiên của hãng tại thị trường Việt Nam vào năm 2022, có tên Neo’s. Mẫu xe này lắp ráp tại Việt Nam và xuất khẩu đến các thị trường khác trên thế giới. Tuy vậy, mức giá cao của sản phẩm cùng quãng đường di chuyển kém hơn các đối thủ khác khiến Neo's không dành cho số đông.
Cũng trong thời gian này, Honda mang về PCX chạy điện để thăm dò, lấy ý kiến. Tuy vậy, đến năm 2024 hãng mới bắt đầu tham chiến vào thị trường xe máy điện tại Việt Nam, với mẫu ICON e: sản xuất trong nước, giá dự kiến dưới 30 triệu chưa kèm pin, bán từ tháng 3/2025, trong khi CUV e: cao cấp hơn cho thuê từ tháng 4, nhập Thái Lan.
Ở phân khúc cao cấp, BMW ra mắt mẫu CE04 đến khách Việt vào 2023 với mức giá trên 550 triệu đồng, là mẫu xe máy điện đắt nhất tại thị trường. CE04 mang phong cách thiết kế viễn tưởng, nhập Đức, tầm hoạt động 130 km, tăng tốc 0-50 km/h trong 2,6 giây.
4. Đa dạng lựa chọn
Với thị trường tràn ngập các dòng xe điện từ nhiều doanh nghiệp khác nhau, người tiêu dùng tại Việt Nam giờ đây đã có thể lựa chọn mẫu xe điện phù hợp với bản thân hơn, không còn bị bó hẹp như trước, ở mọi tiêu chí như quãng đường di chuyển, giá và ngay cả hình thức sử dụng của pin - một trong những linh kiện quan trọng nhất trên xe điện.
Hai mẫu xe điện của Honda tại triển lãm VMS 2024.
Về hình thức sử dụng pin, ngoài việc mua đứt pin truyền thống, trên thị trường hiện VinFast đang phổ biến với hình thức thuê pin, như một cách để giảm giá bán ban đầu, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn. Tất cả các xe máy điện của VinFast đều có thể mua với hình thức thuê pin, mức giá thấp hơn khoảng 10-20 triệu đồng. Dự kiến Honda với mẫu ICON e: cũng triển khai hình thức thuê pin này khi bán ra vào năm sau.
Selex Motors đã triển khai dịch vụ đổi pin nhanh, qua các trạm đổi pin được đặt trong thành phố. Vì các mẫu xe của doanh nghiệp này hướng tới giao vận, do đó khách hàng có thể chọn cách thuê pin theo số km, và đổi pin đã được sạc đầy tại các trạm khi gần cạn pin đang sử dụng.
Sự phổ biến của xe máy điện tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ, mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp từ trong nước đến nước ngoài. Việc phổ cập xe máy điện tại Việt Nam sẽ từng bước góp phần giúp tiến đến gần hơn các mục tiêu giảm phát thải trong tương lai.
Bài viết khác
- TÌNH TRẠNG XE MÁY ĐỀ KHÓ NỔ
- ƯU ĐÃI CHO HỌC VIÊN VÀ QUÀ TẶNG ĐẦU NĂM 2025
- CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN CHO NHÂN VIÊN CÔNG TY PHỤ TÙNG DAICHI VN
- HỘI THẢO KỸ THUẬT CHO KỸ THUẬT VIÊN CHUỖI CỬA HÀNG TRUE MOTO CARE VN
- KHI NÀO BẢO DƯỠNG HỌNG XĂNG KIM PHUN XE MÁY
- HẬU QUẢ CỦA VIỆC ĐỔ NHẦM XĂNG GIẢ
- HIỆN TƯỢNG XE TAY GA BỊ GIẬT KHI TĂNG TỐC
- BAO LÂU THÌ NÊN THAY DÂY CUROA XE MÁY
- CÁC DẤU HIỆU HƯ HỎNG CỦA LỐP XE MÁY
- DẤU HIỆU LỌC GIÓ XE MÁY BỊ BẨN VÀ CÁCH BẢO DƯỠNG