HỆ THỐNG ABS HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Hệ thống chống bó cứng phanh - Anti-lock Braking System, hay ABS là một hệ thống an toàn thiết yếu trên xe ô tô, nhưng với sự phát triển hiện nay thì ABS có mặt ngày càng nhiều trên các mẫu xe máy. Một số dòng xe mới được trang bị ABS như WinnerX, SH, PCX, NVX, Grande, Vespa Sprint,...Hệ thống chống bó cứng phanh giúp điều khiển lực phanh phù hợp, tránh tình trạng bánh xe bó cứng khiến xe bị trượt khi phanh gấp.
Hình 1. Hệ thống ABS trên xe máy
Hệ thống ABS gồm những thành phần cơ bản: Các cảm biến, hộp điều khiển ABS (ECU ABS) và cụm điều khiển thủy lực.
- Loại cảm biến chính được dùng cho ABS trên xe máy là cảm biến tốc độ. Xe máy trang bị ABS rất dễ nhận ra bởi được gắn một đĩa nhỏ có các khe hở nằm sát vào trục quay của bánh xe, đây được gọi là vòng xung (pulser ring). Nhờ vào vòng xung, cảm biến tốc độ sẽ đo tốc độ quay của bánh xe và gửi tín hiệu điện về hộp điều khiển ECU ABS. Ngoài ra còn có các cam biến khác như cảm biến hồi chuyển và cảm biến tay lái để xác định độ nghiêng của xe,... Giúp ABS làm việc chính xác hơn.
Hình 2. Vòng xung và cảm biến tốc độ của ABS trên Yamaha Grande 2019
- Hộp điều khiển ABS (ECU ABS) - bộ não của ABS, có nhiệm vụ nhận tín hiệu điện từ các cảm biến, phân tích và so sánh các tín hiệu. Khi xe mất an toàn, bộ điều khiển ABS sẽ gửi tín hiệu điều khiển kích hoạt ABS hoạt động.
- Cụm điều khiển thuỷ lực gồm bơm thuỷ lực và hệ thống các van điều khiển, các van được điều khiển đóng mở từ đó thay đổi được áp lực dầu ở má phanh. Phần ECU ABS và cụm điều khiển thuỷ lực thường được liên kết trực tiếp với nhau thành một cụm chung.
Hình 3. Cụm điều khiển hệ thống ABS
Hệ thống ABS hoạt động ở các chế độ-giai đoạn làm việc khác nhau gồm: chế độ giữ áp, chế độ giảm áp và chế độ tăng áp.
- Khi bóp phanh, nếu ECU nhận thấy tín hiệu tốc độ xe giảm đột ngột có thể khiển bánh xe bị bó cứng, ngay lập tức, van cửa A sẽ được điều khiển đóng lại. Lúc này cả 2 van A, B đều đóng, áp suất lên má phanh sẽ giữ nguyên, không tăng thêm dù phanh có được bóp thêm. Đây là chế độ “giữ áp” của ABS.
Hình 4. Chế độ "giữ áp" của ABS
- Tiếp theo đến giai đoạn “giảm áp”, van cửa A vẫn đóng, van cửa B được điều khiển mở. Lúc này dầu ở phanh sẽ được xả vào bình dầu, áp lực ở phanh sẽ giảm đi, giúp phanh không bị bó cứng. Sau đó bơm sẽ được điều khiển hoạt động hút dầu ở bình dầu ngược trở lại đường dẫn dầu chính thông qua 2 van 1 chiều.
Hình 5. Chế độ "giảm áp" của ABS
- Để tránh áp suất phanh giảm quá thấp làm giảm hiệu suất phanh, ABS sẽ hoạt động ở chế độ “tăng áp”. Khi đó, van cửa A sẽ được điều khiển mở và van của B đóng lại, áp lực từ chân phanh sẽ truyền trực tiếp đến má phanh, giúp giảm tốc độ xe trong quãng đường ngắn nhất.
Hình 6. Chế độ "tăng áp" của ABS
Khi ABS hoạt động, các giai đoạn trên diễn ra rất nhanh từ 2 đến 10 chu kỳ trong 1 giây nên ta sẽ khó cảm nhận được quá trình "nhấp-nhả" phanh khi ABS hoạt động. Các chu kỳ "nhấp-nhả" diễn ra liên tục cho đến khi tín hiệu gửi về ECU nhận thấy không còn khả năng bị bó cứng phanh nữa thì van A sẽ đóng, van B mở, dầu sẽ truyền trực tiếp từ xi lanh chính đến xi lanh phanh đĩa ở bánh xe như phanh bình thường.
ABS có hai loại là 1 kênh và 2 kênh, loại 1 kênh chỉ điều khiển phanh ở một bánh, còn 2 kênh thì ABS có thể điều khiển được phanh ở cả 2 bánh xe. Vì bánh trước có ảnh hướng lớn đến khả năng bẻ lái của xe, nếu bị bó cứng rất nguy hiểm nên ABS 1 kênh thường được sử dụng cho bánh xe trước ở những dòng xe phổ thông giúp giảm chi phí. Loại 2 kênh thường được trang bị trên những dòng xe phân khối lớn, cao cấp hơn.
Hình 7. Hệ thống ABS 2 kênh trên xe phân khối lớn
Có nhiều người nhầm lẫn gọi là "phanh ABS", nhưng thưc tế, hệ thống ABS không phải là hệ thống phanh mà chỉ là bộ phận "trung gian" nằm giữa đường dầu từ tay phanh nguời lái xe đến má phanh bánh xe, ABS chỉ can thiệp vào quá trình phanh khi nhận thấy bánh xe có khả năng bị bó cứng. Hệ thống ABS khi hoạt động tạo ra quá trình "nhấp-nhả" phanh liên tục, do đó quãng đường phanh sẽ không giảm ngắn hơn so với phanh trực tiếp.
Quá trình tự chẩn đoán để xem ABS trên xe máy có hoạt động bình thường không:
1. Bật công tắc máy.
2. Đảm bảo đèn ABS sáng.
3. Khởi động xe.
4. Vận hành xe và tăng tốc đến tốc độ 10 km/h.
5. ABS hoạt động bình thường nếu đèn hiển thị ABS tắt.
Một số lưu ý đối với hệ thống ABS:
+ ABS không kích hoạt hoạt động ở tốc độ dưới 10km/h.
+ Tay phanh sẽ có hiện tượng giật nhẹ khi sử dụng hệ thống phanh. Đó là hiện tượng bình thường.
+ Hệ thống ABS không làm giảm khoảng cách phanh. Trong một số trường hợp,hệ thống ABS có thể làm cho khoảng cách dừng dài hơn.
+ Đèn báo ABS có thể nháy nếu nâng xe lên khỏi mặt đất và quay bánh sau, trong trường hợp này, vặn công tắc đánh lửa sang OFF và chuyển sang ON một lần nữa. Đèn báo ABS sẽ tắt khi tốc độ đạt 30km/h.
+ Khi bộ điều khiển ABS phát hiện lỗi, nó ngừng các tính năng của hệ thống ABS, chuyển sang chế độ phanh thông thường và đèn hiển thị ABS sẽ sáng hoặc nháy. (Cẩn thận khi chạy thử)
+ Những lỗi không do ABS ( kêu đĩa phanh, má phanh mòn không đều) không được phát hiện bởi hệ thống chẩn đoán ABS.
Qua bài viết hi vọng các bạn có được cái nhìn rõ hơn về hệ thống ABS trên xe, giúp quá trình chẩn đoán, sửa chữa xe dễ lợi hơn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!
Bài viết khác
- HẬU QUẢ CỦA VIỆC ĐỔ NHẦM XĂNG GIẢ
- HIỆN TƯỢNG XE TAY GA BỊ GIẬT KHI TĂNG TỐC
- BAO LÂU THÌ NÊN THAY DÂY CUROA XE MÁY
- CÁC DẤU HIỆU HƯ HỎNG CỦA LỐP XE MÁY
- DẤU HIỆU LỌC GIÓ XE MÁY BỊ BẨN VÀ CÁCH BẢO DƯỠNG
- CÁCH NHẬN BIẾT HƯ HỎNG VÀ BẢO DƯỠNG ẮC QUY
- BẢO DƯỠNG HỆ THỐNG TRUYỀN ĐỘNG: NHÔNG - SÊN - DĨA
- HỘI THẢO KỸ THUẬT CHO KỸ THUẬT VIÊN CHUỖI CỬA HÀNG TRUE MOTO CARE VN
- CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KIẾN THỨC CHUYÊN MÔN CHO NHÂN VIÊN CÔNG TY PHỤ TÙNG DAICHI VN
- HIỆN TƯỢNG XÌ NHỚT GIẢM XÓC XE MÁY